Ai cũng hiểu, gia đình đóng vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục và hình thành nhân cách của con người. Mọi người đều biết câu: “Gia đình là tế bào của xã hội”. Nhưng trong cuộc sống ngày nay, cùng với sự phát triển về điều kiện sống vật chất thì nhiều gia đình lại rơi vào hoành cảnh không thể hiểu nổi nhau.
Có rất nhiều các lý do được đưa ra khi nói đến vấn đề này, như: “Tụi trẻ bây giờ nó khác lắm, không giống mình ngày xưa”; “Khoảng cách hai thế hệ”;…vv. Tuy nhiên, theo cá nhân tôi, đó chỉ là sự bao biện cho việc các bậccha mẹ không chuẩn bị cho mình một nền tảng kiến thức về giáo dục, về con người nên thường dẫn đến sự “lệch pha” trong mỗi gia đình. Vậy đâu là giải pháp cho vấn đề này? Đó là những việc cha mẹ cần phải học.
Giáo dục con trẻ cũng là một điều cần phải học. Ảnh: internet
1. Cha mẹ phải hiểu đúng về giáo dục con người
Từ “Giáo dục”, trong tiếng anh là "Education", là từ có nguồn gốc từ tiếng La Tinh, Educare, tức là làm bộc lộ ra. Bản chất của việc này là giáo dưỡng một con người cho bản thân họ, chứ không phải cho người khác. Ở đây chúng ta hiểu rằng, giáo dục một đứa trẻ tức là, khi lớn lên, những kết quả của sự giáo dục ấy sẽ phục vụ cho chính bản thân nó, chứ không phải cho những điều mà cha mẹ mong muốn.
Chỉ cần bấy nhiêu thôi cũng thấy rất nhiều điều vô lý trong cách giáo dục con cái theo phương pháp truyền thống, của các bậc cha mẹ ở Việt Nam. Vì đó là sự uốn vặn con người, (ở đây là trẻ em) theo cách mà mỗi người muốn. Khi một đứa trẻ hoàn toàn chưa có nhận thức về thế giới xung quanh thì điều này là bình thường. Tuy nhiên, nếu một đứa trẻ đã có những nhận thức thì đó là một sự sai lầm. Việc nên/phải làm như thế này, thế kia là một sự áp đặt.
Ví dụ: khi một đứa trẻ cãi lại những điều cha mẹ nói, tức là nó đã có một nhận thức khác, một mong muốn khác trong suy nghĩ với những điều cha mẹ đã nói ra, chỉ dạy. Việc của mỗi bậc phụ huynh là phải tìm hiểu được, tại sao nó có những suy nghĩ, những phản ứng như vậy. Đó mới là cách “làm bộc lộ” trong giáo dục.
Để trẻ phát triển tự nhiên theo thiên hướng của chúng, chúng sẽ có một cuộc đời đúng nghĩa mà bạn đã đem lại cho con cái mình cuộc sống.
2. Lắng nghe và chia sẻ
Rất nhiều các bậc cha mẹ, người lớn thường nói: Không thể; không biết cách nào để hiểu, tiếp cận, gần gũi được với con cái/ hay thế hệ trẻ hơn mình. Bởi vì hầu hết tất cả mọi người (ở đây là cha mẹ/ người lớn) đều không có sự chia sẻ về chính bản thân mình. Họ chỉ đưa ra lời khuyên là nên/phải thế này, nên/phải thế khác. Trong khi những lời khuyên (thường) không tốt bằng sự chia sẻ. Chính vì thế mà có sự xa cách, khó gần. Nhưng hầu hết mọi người đều không nghĩ việc chia sẻ về chính bản thân mình với con cái là cách tốt nhất để gần gũi, để đặt một niềm tin vững vàng và để hiểu con cái mình hơn, hiểu những người xung quanh mình hơn.
Tất cả các bậc cha mẹ đều đã từng là trẻ con, cũng giống như con cái của mình ở hiện tại. Nếu như ngày xưa bạn cũng bị điểm kém, cũng thường đánh nhau với bạn thì không lý gì bây giờ lại nói rằng: cha luôn là người học giỏi nhất lớp, không bao giờ đánh nhau với bạn bè. Hãy chia sẻ về bản thân mình một cách chân thật, và nói lên suy nghĩ, về cách nhìn nhận, giải quyết vấn đề khi gặp phải với con cái. Như vậy, mỗi đứa trẻ sẽ độc lập hơn, tự nhận thức được vai trò của cá nhân mình trong sự phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần.
Việc lắng nghe mà không phán xét điều gì là một điều không hề dễ dàng, nhất là khi trò chuyện với con trẻ. Vì cha mẹ tự đặt cho mình ở tâm thế “cao”, “lớn” hơn nên đưa ra vấn đề “đúng”.
Các bậc cha mẹ Việt Nam thường không lắng nghe và chia sẻ với con cái. Ảnh: internet
3. Hiểu rõ các vị trí
Một điều rất nhiều người lớn, cha mẹ không phân biệt giữa công dụng của các đồ vật khi sử dụng rồi áp đặt lên con cái mình.
Khi đến nhà một người quen chơi. Nhà chị bày cái khăn trải bàn rất đẹp. Khi uống nước, con chị đánh đổ nước trà lên đó và tất nhiên cái khăn bị vấy bẩn. Chị tét vào mông nó với lý do: "Mẹ đã dặn con bao nhiêu lần rồi mà không cẩn thận gì cả".
Đứa trẻ sẽ cảm thấy những điều vô lý ở một việc nhỏ này, và săn sâu vào suy nghĩ của nó. Cái khăn trải bàn thì công dụng của nó là không làm dơ cái mặt bàn, hoặc là để che dấu cái khuyết điểm gì đó trên bàn. Việc đổ nước, vấy bẩn ra là chuyện hiển nhiên khi sử dụng. Tại sao lại phải đánh con trong khi nó lỡ đổ nước ra?
Việc hiểu rõ vị trí này không chỉ dừng lại ở đồ vật vậy mà còn phải hiểu ở khía cạnh về con người nữa. Dù với vai trò là con, nhưng con cái của bạn đã có một ví trí trong cuộc sống, từ khi nó sinh ra. Và điều đó cần được tôn trọng. Hãy xử sự với con mình theo cách mà bạn muốn chúng xử sự như với tất cả mọi người.
4. Thống nhất trong việc nuôi dạy con trẻ
Một đứa trẻ chỉ có thể lớn lên bình thường, với sự đồng nhất trong suy nghĩ khi những điều nó được dạy được thống nhất. Vấn đề có nhiều luồng thông tin khác nhau sẽ khiến trẻ khó lựa chọn niềm tin.
5. Nói về sự không hoàn hảo
Nếu như bạn nói về một thế giới không có thực cho trẻ thì có nghĩa là bạn đang tự lừa dối chính mình và con cái. Hãy phản ánh đúng như nó vốn là, vì chỉ có cách này mới có thể làm gương để trẻ nhìn vào.
Hoài Thư